Ngộ độc thực phẩm là tình trạng nhiễm trùng hay kích ứng đường tiêu hóa do ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm, hư hỏng hay độc hại với các triệu chứng phổ biến như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Các triệu chứng này thường bắt đầu trong vòng vài giờ hoặc vài ngày sau khi ăn thực phẩm.
Ngộ độc thực phẩm xảy ra rất phổ biến, có thể gặp ở mọi độ tuổi. Theo nghiên cứu của CDC - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, mỗi năm có khoảng 48 triệu người bị ngộ độc thực phẩm ở Hoa Kỳ, trong đó có 128 ngàn người phải nhập viện và 3 ngàn người tử vong vì các biến chứng liên quan.
Đối tượng dễ mắc ngộ độc thực phẩm
- Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.
- Phụ nữ có thai.
- Người cao tuổi.
- Người bị suy giảm miễn dịch.
Do vi khuẩn
Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm. Vi khuẩn hay độc tố của chúng xâm nhập vào đường tiêu hóa thông qua thực phẩm bị ô nhiễm.
Trong số đó Salmonella là loài gây ngộ độc nhiều nhất tại Mỹ. Theo CDC ước tính có khoảng 1.350.000 trường hợp ngộ độc thực phẩm mỗi năm, trong đó có 26.500 ca nhập viện được xác định là do nhiễm khuẩn Salmonella.
Campylobacter và C. botulinum là hai loại vi khuẩn ít gặp hơn nhưng có khả năng gây tử vong.
Do ký sinh trùng
Tuy không phổ biến như vi khuẩn nhưng ngộ độc thực phẩm do ký sinh trùng vẫn rất nguy hiểm. Chúng bao gồm các loài như Toxoplasma gondii, Giardia lamblia, Cryptosporidium,... Ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể thông qua thức ăn hay nước uống và có thể sống trong đường tiêu hóa mà không bị phát hiện trong nhiều năm.
Theo CDC, Toxoplasma là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ngộ độc thực phẩm.
Do vi rút
Vi rút cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm chẳng hạn như vi rút viêm gan A, Norovirus, Rotavirus, Astrovirus, Sapovirus.
Mỗi năm ở Hoa Kỳ có đến 19 - 21 triệu trường hợp nôn mửa và tiêu chảy do norovirus gây ra. Một số ít trường hợp cũng có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra còn có thể bị ngộ độc thực phẩm do các nguyên nhân khác như nấm, độc tố, hóa chất.
- Tiêu chảy.
- Phân nhầy nhớt, phân đen hoặc lẫn máu.
- Sốt.
- Nôn ói.
- Đau bụng.
- Rối loạn thần kinh như nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, co giật, đau đầu, chóng mặt.
- Tiêu chảy
- Phân nhầy nhớt, phân đen hoặc lẫn máu.
- Sốt.
- Nôn ói
- Đau dữ dội ở bụng.
- Rối loạn thần kinh như nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, co giật, đau đầu, chóng mặt.
Ngộ độc thức ăn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Mất nước: người bệnh cảm thấy khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sẫm màu, độ đàn hồi của da giảm, chóng mặt, mắt hoặc má trũng sâu.
- Nhiễm trùng toàn thân: viêm màng não, nhiễm trùng huyết, cục máu đông trong thận.
- Biến chứng khi mang thai: Bệnh do vi khuẩn Listeria trong khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu, nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, viêm màng não ở trẻ sơ sinh.
- Biến chứng hiếm gặp: Viêm khớp, hội chứng ruột kích thích, khó thở.
Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số thông tin như triệu chứng, thời gian diễn ra các triệu chứng đó, thực phẩm đã ăn gần đây, tiền sử bệnh. Tùy thuộc vào diễn tiến của bệnh và triệu chứng đi kèm bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán như sau:
- Cấy phân: là xét nghiệm phổ biến nhất để định danh tác nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu cụ thể cho biết bạn bị bệnh như thế nào thông qua tình trạng viêm nhiễm và mất nước. Xét nghiệm máu có thể phát hiện vi khuẩn listeria monocytogenes và vi rút viêm gan A.
- Xét nghiệm hình ảnh: thường không được sử dụng trong ngộ độc thực phẩm nhưng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác.
Bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có một trong các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như:
- Tiêu chảy liên tục.
- Buồn nôn, nôn.
- Gặp các triệu chứng mất nước như môi khô, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu,...
- Đau bụng dữ dội.
- Sốt.
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa tại địa phương để được thăm khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín và nổi tiếng dưới đây:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Thống Nhất,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hưng Việt, Phòng khám Đa khoa Mediplus,...
Khi thấy các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, bạn cần bình tĩnh và có thể thực hiện các cách sơ cứu sau:
- Cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước: sau khi bệnh nhân nôn và tiêu chảy dễ dẫn đến tình trạng mất nước. Vì vậy cần tiến hành bù nước cho bệnh nhân bằng nước lọc hay dung dịch bù nước điện giải Oresol (pha đúng theo hướng dẫn sử dụng).
- Đặt bệnh nhân nằm ngửa, đầu thấp, theo dõi nhịp tim.
- Đưa đến cơ sở y tế: để được bác sĩ kiểm tra và tiến hành cấp cứu khi cần thiết.
Trường hợp ngộ độc nhẹ và vừa
- Điều trị hỗ trợ: uống nước đầy đủ, ăn nhiều lần, ăn từng lượng nhỏ, ăn ít chất béo và nghỉ ngơi nếu cần thiết
- Kháng sinh: được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.
- Tiêu chảy và/hoặc nôn liên tục: truyền dịch để đề phòng mất nước.
- Không khuyến cáo: dùng các thuốc cầm tiêu chảy như Imodium, Pepto Bismol.
Trường hợp ngộ độc nặng: tùy từng loại độc tố mà có các hướng điều trị khác nhau. Bồi hoàn nước qua đường uống, truyền tĩnh mạch trong hầu hết các trường hợp.
Chế độ ăn loãng, thức ăn dễ tiêu, chia thành nhiều bữa nhỏ. Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, khi ngừng tiêu chảy nên tăng thêm 1 bữa ăn/ngày.
- Không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Rã đông thực phẩm trong tủ lạnh và sử dụng ngay. Không làm đông lạnh lại thực phẩm nếu chúng đã được rã đông hoàn toàn.
- Không để trứng, thịt, thịt gia cầm, hải sản hoặc sữa ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài.
- Tách riêng thực phẩm sống và chín.
- Giữ nhiệt độ tủ lạnh của bạn dưới 4 °C và tủ đông của bạn ở -18 °C.
Ngộ độc thực phẩm phổ biến hơn và nguy hiểm hơn đối với những người có hệ thống miễn dịch yếu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người già. Nếu bạn thuộc một trong những nhóm này, hãy cố gắng tránh:
- Các loại hải sản còn sống hay nấu chín một phần.
- Thịt nguội.
- Nước trái cây, nước ép tươi chưa tiệt trùng.
- Trái cây, rau sống chưa rửa sạch.
Để tránh ngộ độc thực phẩm cần thực hiện các bước sau:
- Luôn rửa tay trước khi nấu hay ăn thức ăn.
- Nấu chín kỹ thịt và trứng.
- Vệ sinh dụng cụ chế biến sạch sẽ.
- Luôn rửa sạch trái cây và rau củ trước khi ăn.
- Lưu trữ và bảo quản thực phẩm đúng cách.
Nguồn: nhathuocankhang