Tìm hiểu những tiêu chuẩn đoán đái tháo đường

Tìm hiểu những tiêu chuẩn đoán đái tháo đường

1. Sơ lược về bệnh tiểu đường

Tất cả các tế bào trong cơ thể hoạt động nhờ vào nguồn năng lượng chuyển hóa từ Glucose, đặc biệt là tế bào não. Khi Glucose từ bên ngoài qua thức ăn được đưa vào cơ thể sẽ kích thích tuyến tụy tiết Insulin để chuyển hóa Glucose trong máu. Tuy nhiên, do nguyên nhân nào đó (có thể là di truyền, môi trường,...) dẫn đến 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Tuyến tụy không hoạt động đúng cách hoặc ngừng làm việc dẫn đến tình trạng thiếu hụt hormone Insulin.

Trường hợp 2: Tuyến tụy vẫn làm việc bình thường nhưng khiếm khuyết xảy ra với Insulin, tế bào cơ thể kháng lại hormone này.

Cả hai trường hợp trên đều dẫn đến hậu quả là Glucose trong máu tăng và khi đạt đến ngưỡng quy định dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thì được bác sĩ sẽ có kết luận bệnh nhân bị tiểu đường. Nếu nguyên nhân do không đủ hormone Insulin sẽ được chẩn đoán tiểu đường type 1 và trường hợp còn lại là tiểu đường type 2.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, những thay đổi trong cơ thể như rối loạn nội tiết tố cũng có thể tác động đến hormone Insulin và dẫn đến tiểu đường thai kỳ. 

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Xét nghiệm là phương pháp chính được áp dụng để đánh giá lượng đường huyết và đưa ra các chẩn đoán về bệnh tiểu đường.

Các loại xét nghiệm máu chẩn đoán tiểu đường
Hiện nay, để có kết luận bệnh nhân bị tiểu đường hay không, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm FPG (Định lượng đường huyết lúc đói). Kết quả xét nghiệm FPG phản ánh nồng độ Glucose trong máu ở thời điểm thực hiện. Người bệnh cần phải nhịn đói từ 8 - 10 tiếng để đảm bảo kết quả kiểm tra không bị ảnh hưởng.

Xét nghiệm OGTT (Nghiệm pháp dung nạp Glucose) được thực hiện để đánh giá quá trình sử dụng đường của cơ thể. Phương pháp này được áp dụng trong chẩn đoán bệnh tiểu đường, tiền đái tháo đường và đặc biệt là phát hiện tiểu đường ở phụ nữ mang thai ở thời điểm tuần thứ 24 - 28.

Xét nghiệm HbA1C: Định lượng Glucose có kết hợp với Hemoglobin trong máu. Xét nghiệm này cần được thực hiện 3 tháng một lần đối với các bệnh nhân đái tháo đường type 1 và type 2. Từ kết quả có được, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị nhằm phòng ngừa các biến chứng của bệnh như biến chứng mạch máu và thần kinh. Chỉ số HbA1c lý tưởng ở mức < 6.5%, nếu con số này trên 7% cho thấy việc kiểm soát glucose của người bệnh đang rất xấu.

Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng kinh điển, đặc trưng của tiểu đường như ăn uống nhiều, đi tiểu liên tục, sụt cân không rõ nguyên nhân trong thời gian ngắn thì có thể chỉ định xét nghiệm đường huyết bất kỳ.

Tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

Để đưa ra kết luận cơ thể có mắc bệnh hay không thì bác sĩ sẽ dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường dưới đây (Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ - ADA)

Các tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường

3. Một số lưu ý về xét nghiệm kiểm tra đái tháo đường

Để đảm bảo kết quả kiểm tra đường huyết không có sự sai lệch thì người thực hiện cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

Trong trường hợp bệnh nhân đã được chẩn đoán tiểu đường và thực hiện xét nghiệm nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe và hiệu quả liệu trình điều trị thì không cần thiết phải ngừng uống thuốc.

Đối với xét nghiệm dung nạp đường và xét nghiệm đường huyết lúc đói cần nhịn đói từ 8 - 10 tiếng, thường là qua đêm và xét nghiệm vào buổi sáng để có kết quả chính xác nhất.

Không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, cà phê, thuốc lá, nước chè,... trước khi xét nghiệm.

Trong trường hợp bạn mắc bệnh lý nền không phải tiểu đường và đang sử dụng thuốc điều trị, đặc biệt các loại thuốc nhóm Corticosteroid, thuốc lợi tiểu, hormone,... thì cần phải thông báo với bác sĩ để biết có cần tạm ngưng hay không.

Trong trường hợp bệnh nhân có 1 trong 4 tiêu chuẩn chẩn đoán tiểu đường kể trên nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào của hiện tượng Glucose trong máu tăng thì nên thực hiện xét nghiệm lần 2 trong thời gian 7 ngày sau lần kiểm tra đầu tiên.

Xét nghiệm HbA1c trong chẩn đoán đái tháo đường có độ nhạy thấp vì chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác. Vì vậy, phương pháp này nên được thực hiện kết hợp với xét nghiệm khác để có kết quả chính xác hơn.

Stress, căng thẳng cũng có thể làm kết quả kiểm tra đường huyết sai lệch. Do đó, trước khi thực hiện xét nghiệm cần phải giữ tinh thần thoải mái và bình tĩnh.

 

Nguồn: Medlatec

Alothuocsi
Địa chỉ: 134/1 Tô Hiến Thành, Quận 10, TP. HCM - Trung tâm Thương mại Dược phẩm và Trang thiết bị Y tế TP.HCM
Số điện thoại: 078 777 2862
Alothuocsi

Kết Nối Với Chúng Tôi

©Bản quyền 2023, All Rights Reserved
©Bản quyền thuộc về Alothuocsi | Cung cấp bởi SOPRO